Bạn đang tìm một cây trong nhà với vẻ ngoài độc đáo nhưng vẫn đầy tinh tế? Đừng bỏ qua cái tên thu hải đường, hay còn gọi là hải đường đốm. Đây là loại cây có đốm được ưa chuộng trồng trong nhà rất nhiều.
Tuy nhiên, chăm sóc thu hải đường có khó không? Hãy tìm hiểu cùng thông tin, cách chăm sóc và những mẹo mà bạn cần lưu ý để đảm bảo cây luôn tươi đẹp nha.
Giới thiệu về cây thu hải đường
Thu hải đường, hay còn gọi là hải đường đốm (có tên khoa học Begonia Maculata). Loại cây này có lá màu xanh giống hình cánh dơi và được tô điểm với đốm trắng bạc đầy tinh tế. Ngoài ra, mặt dưới của lá có màu đỏ thẫm.
Vào mùa xuân, cây sẽ mọc ra nhiều bông hoa màu hồng nhạt tuyệt đẹp. Đó cũng là lý do vì sao cây được nhiều người ưa chuộng để trồng trang trí trong nhà.
Thu hải đường đến từ Nam, Trung Mỹ, Mexico, và Châu Á trong các khu rừng nhiệt đới, cận nhiệt.
Bạn đã biết cách chăm sóc hải đường đốm chưa?
Cũng như những loại cây khác, thu hải đường cũng cần những yếu tố chăm sóc như ánh sáng, nhiệt độ, đất trồng riêng,…
Ánh sáng
Để giữ cho lá cây luôn đẹp thì yếu tố ánh sáng rất quan trọng. Điều kiện ánh sáng gián tiếp từ 70% được cho là lý tưởng dành cho loại cây này. Vì vậy, bạn nên đặt chúng ở gần cửa sổ để cây có thể nhận được ánh sáng mà không quá gay gắt.
Nếu để cây thiếu sáng, lá của chúng sẽ bị chuyển vàng, nâu và dễ rụng. Còn ánh sáng quá mạnh thì cây sẽ bị cháy lá, bạn hãy lưu ý nha.
Tưới nước
Những loại cây vùng nhiệt đới thích sống trong đất ẩm nhưng không bị sũng. Vì thế, trước khi tưới, bạn nên kiểm tra đất trước khi tưới bằng cách cho ngón tay vào đất khoảng 2cm.
Với thu hải đường, chúng sẽ cần nước khoảng 3 lần/tuần vào những ngày xuân-hè vì lúc này đất sẽ nhanh khô hơn. Trái lại, tần suất tưới vào mùa đông sẽ giảm còn 1 lần/tuần.
Mẹo cho bạn khi tưới là hãy tưới vào nước chứ không nên tưới vào lá, vì những chiếc lá của chúng “không thích” bị ẩm.
Nhiệt độ – Độ ẩm
Hải đường đốm sinh trưởng tốt trong nhiệt độ ấm từ 18-30° C (65-86°F). Nhiệt độ này cũng phù hợp với nhiệt độ thường thấy của đa số ngôi nhà. Nếu bạn sống trong vùng có khí hậu lạnh, bạn hãy trồng loại cây này trong nhà kính hoặc hồ cạn.
Về độ ẩm của cây, cây cần độ ẩm khá cao (từ 70%), tương đương với độ ẩm từ các khu rừng nhiệt đới. Để đảm bảo độ ẩm cho cây, nhất là khi nhà bạn có độ ẩm thấp, bạn hãy đặt một khay nước hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm cho cây. Hãy tránh tự phun sương vì lá cây không thích nhiều ẩm đâu nha.
Đất trồng
Với thu hải đường, đất chua một chút sẽ là sự lựa chọn phù hợp với chúng. Độ pH của đất sẽ nằm trong khoảng từ 6.0 -7.0. Để giúp cho đất thêm chua, bạn có thể thêm một lượng nhỏ than bùn sphagnum.
Bạn có thể thêm một ít cát, đất sét, và đất mùn vào hỗn hợp đất để thoát nước tốt, và tránh tình trạng cây bị đọng nước. Một mẹo khác cho bạn là thêm một ít đá trân châu để tăng khả năng thoát nước nếu bạn chưa biết cách trộn đất.
Lưu ý: Không thêm vermiculite vào đất vì loại này giúp giữ ẩm cho đất nhưng không hề tốt cho cây.
Bón phân
Bón phân cho cây sẽ cung cấp chất dinh dưỡng và kích thích cây nở hoa, phát triển khoẻ mạnh. Vì vậy, bạn cần bón phân cho cây 2 tuần/ lần với những loại phân bón thực vật dạng lỏng, có thể hoà tan.
Một lưu ý cho bạn khi bón là hãy pha loãng một nửa lượng phân theo khuyến nghị. Ngoài ra, hãy tưới nước và đảm bảo đất ẩm trước khi tưới để cây không bị cháy rễ. Không nên bón phân cho cây quá mức vì sẽ làm mép của lá cây chuyển sang màu nâu.
Tần suất bón phân sẽ giảm vào mùa đông khi cây đang trong kì nghỉ. Hãy bón khoảng 1 tháng hoặc 5 tuần/lần.
Nhân giống thu hải đường như thế nào?
Nhân giống thu hải đường không hề khó với phương pháp giâm cành. Bạn có thể giâm cành sau đó trồng trong đất hoặc trong nước. Điều bạn cần chuẩn bị trước khi nhân giống là hãy chọn một cái cây thật khoẻ mạnh và khử trùng những dụng cụ cắt tỉa như dao, kéo,.. Thời điểm thích hợp là vào mùa xuân hoặc hè. Cách làm như sau:
Nhân giống trong nước
Cắt một cành từ cây thu hải đường đã chọn (cành được cắt phải có ít nhất 1-2 lá và hoa).
Đặt vết cắt vào trong bình hoặc ly nước (có kích thước vừa phải).
Sau một vài ngày chăm sóc, rễ và chồi mới sẽ hình thành.
Lấy phần cây mới và trồng vào chậu có đất đã chuẩn bị sẵn.
Tiến hành chăm sóc đúng cách để cây phát triển.
Nhân giống trong đất
Tương tự như nhân giống trong nước, cắt một cành từ cây đã chọn (cành có ít nhất 1-2 lá hoặc có hoa càng tốt).
Nhúng cành đã cắt vào hỗn hợp kích thích mọc rễ cho cây dạng bột.
Đặt cành vào chậu đã có sẵn đất.
Tiến hành chăm sóc cho đến khi cây ra rễ và phát triển.
Thay chậu
Hải đường đốm là một loại cây thích bám rễ. Đó là lý do vì sao bạn cần thay chậu cho chúng 1 năm/lần vào mùa xuân- hè. Khi thay chậu, hãy đảm bảo chậu có lỗ thoát nước tốt để tránh tình trạng cây bị sũng nước.
Không nên chọn chậu quá lớn so với cây, bạn chỉ cần chọn chậu lớn hơn khoảng một cỡ là đủ. Đặc biệt, hãy thay đất cho cây khi chuyển sang “nhà mới” cho chúng.
Những căn bệnh thường gặp
Khi không thực hiện đủ những biện pháp phòng ngừa, cây có thể sẽ phải đối mắt với những vấn đề thường gặp.
- Nấm mốc bột: Đây là căn bệnh phổ biến với thu hải đường. Nếu để cây trong độ ẩm quá cao, toàn thân cây sẽ hình thành những đốm trắng tròn, dạng bột. Bạn sẽ cần tỉa bỏ hết những cành, lá bị hỏng và giảm độ ẩm cho cây ở mức ổn định.
- Nấm mốc Botrytis: Triệu chứng của căn bệnh này là những đốm nâu trên lá khi cây không có đủ không khí lưu thông. Những vết đốm này thường sẽ xuất hiện ở những lá gần đất nhất. Để loại bỏ chúng, bạn hãy dùng thuốc diệt nấm và loại bỏ những phần thân hư hại. Khử trùng cho cây với metyl hoá để ngăn bệnh quay lại.
- Úng rễ: Căn bệnh này xuất hiện nếu bạn tưới nước cho cây quá nhiều. Khi thấy dấu hiệu là thân cây bắt đầu chuyển sang đen và mủn ra. Bạn hãy tạm dừng tưới nước, loại bỏ những phần thân bị hỏng.
- Côn trùng gây hại: Bọ nhảy và rệp sáp được xem là “kẻ thù” của hải đường đốm. Hãy giữ cho cây trong môi trường sạch sẽ để tránh sự xâm nhập của chúng. Nếu cây của bạn không may gặp chúng thì hãy dùng dầu neem hoặc thuốc xịt côn trùng để loại bỏ.
Độc tính
Thu hải đường có hại cho người và động vật nên bạn hãy để chúng tránh xa tầm tay của những đứa trẻ trong gia đình mình nhé. Rễ của chúng có độc, có thể gây kích ứng khoang miệng nếu tiêu hoá phải.
Chăm sóc thu hải đường hay hải đường đốm thật sự rất đơn giản. Bên cạnh đó, với vẻ ngoài tinh tế của chúng, chúng xứng đáng được bạn quan tâm và chăm sóc. Vì vậy, hãy thường xuyên để ý đến cây trồng của mình nhé. Chúc bạn thành công!