Cây ổ rồng hiện đang là giống cây được rất nhiều người yêu thích cây cảnh lựa chọn để trang trí không gian căn nhà bởi hình dáng kì lạ cũng như công dụng thần kì của chúng.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kĩ hơn về loài cây này qua bài viết này nhé.
Giới thiệu về cây ổ rồng
Cây ổ rồng còn được biết đến với những cái tên gọi khác như quyết dẹt, lan bắp cải, lan tai tượng, lan ổ rồng và ổ phượng. Các nhà khoa học đặt tên cho dòng này Platycerium grande, thuộc chi loài Dương xỉ (Polypodiaceae), họ Ráng.
Đây là loài thực vật có dạng sống phụ sinh, thường được mua về để trang trí, làm đẹp khu vườn. Bên cạnh đó, người ta còn tận dụng cây như thảo dược với chức năng tiêu phù, giảm ngứa, làm liền xương, chữa ghẻ lở, mẩn ngứa, và chứng phù thũng.
Đặc điểm cây ổ rồng
Cây ổ rồng sống phụ sinh trên các cành lớn của những loài thực vật khác, được trồng để làm cảnh. Cây thuộc giống thân rễ, mọc bò từ gốc rủ xuống, không có lông. Lá cây xẻ thùy sâu dính liền hoặc rời. Ổ túi bào tử nằm ở kẽ rẽ đôi của lá sinh sản.
Bào tử có hình bầu dục hay hình thận, màu vàng nhạt bám vào nhau như đám bông. Vì vậy khi rơi xuống gặp trời có gió rất dễ bị cuốn bay đi khắp nơi. Cách sinh sản này giống như cây ráng ổ phụng. Chúng xẻ thùy nhiều lần, nói chung những chiếc lá này có nhiệm vụ nuôi bào tử để tạo ra nhiều cây con.
Công dụng cây ổ rồng
Cách đây nhiều năm về trước, các cụ đã tìm ra và tận dụng cây ổ rồng trong việc chữa một số bệnh. Cụ thể, vào thời kì chiến tranh, đồng bào dân tộc Ê đê ở Đắc Lắc đã phát hiện ra công dụng của loài cây này trong việc giúp làm liền xương và họ đã làm thuốc để chữa cho những người dân và các chiến sĩ sinh sống và đóng quân ở khu vực đó.
Người dân chọn hái phần lá không sinh sản được đem đi làm sạch và làm nát, sau đó đem chúng đắp vào vết thương rồi bó lại. Kết quả những vết thương như gãy, rạn xương có dấu hiệu phục hồi tương đối tốt.
Ở đất nước Campuchia, người ta thường chọn và giã nát phần lá để lấy phần bã đắp lên vùng chân hoặc tay bị sưng phù. Còn người dân ở Malaysia đốt lấy tro của cây ổ rồng và xát lên vùng cơ thể bị thương của bệnh nhân bị bệnh lách sưng to. Chủ yếu cây được sử dụng đối với những bệnh ngoài da, nên không có quy định cụ thể về liều lượng.
Một số lưu ý khi dùng cây ổ rồng để chữa bệnh
Có một số cây có hình dạng bên ngoài khá giống với cây ổ rồng, đó là cây tắc kè đá hoặc cây tổ phượng. Bạn nên để ý kĩ điểm khác nhau giữa chúng để tránh chọn nhầm cây. Cây tổ phượng cũng là một loài cây phụ sinh nhưng thường mọc ở trên núi và những thân cây gỗ đã bị mục nát.
Ở thời điểm hiện tại, những nghiên cứu về các bài thuốc từ cây ổ rồng vẫn còn chưa đa dạng, còn nhiều hạn chế. Mọi người nên chú ý, không tùy tiện sử dụng mà cần có sự tìm hiểu cũng như tham khảo ý kiến từ những người có kiến thức, hiểu biết rõ loại cây này để tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn.
Trồng và chăm sóc cây ổ rồng
Vì cây thuộc dạng sống phụ sinh, được nhân giống lên từ thân gỗ khô, nên cây ổ rồng không cần dùng đến đất trồng. Lúc trồng cây ổ rồng nên để rễ cây được thông thoáng hoàn toàn, không bị gò bó. Nếu bạn muốn trồng cây ổ rồng để trang trí nhà cửa, trang trí trang trại hoặc bất cứ đâu, tốt nhất nên gắn cây trên một miếng ván gỗ, hoặc có thể sử dụng thân cây lớn thay thế.
Cần tưới nước cho cây thường xuyên, liên tục làm sạch lá và giữ cây được ẩm để giúp quá trình quang hợp của cây thuận lợi. Khi trời có mưa nhẹ, bạn nên mang cây ra ngoài hứng nước khoảng 30 phút. Sau đó dùng khăn sạch lau bụi trên lá. Lưu ý, khi tưới cây chỉ cần tưới nước ở mức độ vừa phải, không làm nước đọng trên thân cây. Điều này dễ khiến cây bị bệnh nấm mốc.
Ngoài ra,để giữ cho cây được nguyên vẹn, không bị rơi rớt lá, bạn nên giữ cây ở vị trí cố định trong ngôi nhà. Không cần thiết phải thay đất hay bón phân cho cây ổ rồng. Muốn cây phát triển tốt và giữ cho lá có màu xanh tươi, việc dùng thuốc phun dưỡng lá là điều cần thiết, hoặc sử dụng phân tan chậm để bón.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về nguồn gốc, công dụng, cách trồng và chăm sóc cây ổ rồng. Nhìn chung, đây là một loài cây mang trong mình một vẻ bề ngoài độc đáo. Ngoài việc dùng để trang trí vườn cây, phần lá cây có tác dụng trong việc điều trị một số bệnh ngoài da như nấm, ghẻ ngứa, loét da. Còn phần rễ và thân cây còn có khả năng làm liền xương. Hy vọng các thông tin này hữu ích đối với bạn đọc và giúp các bạn có thêm lựa chọn khi có nhu cầu tìm các loại cây xanh để trong nhà.